Thời Pháp thuộc Kiểm duyệt báo chí tại Việt Nam

Dưới thời thực dân Pháp, báo chí bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và bị người Pháp áp dụng chế độ kiểm duyệt, nhất là với báo chí tiếng Việt.

Nam Kỳ nơi công luận cởi mở nhất thì báo chí bị chi phối bởi luật báo chí của chính quốc Pháp thông qua ngày 29 Tháng Bảy, 1881. Luật này cho phép ngành ấn loát tương đối nhiều tự do nhưng sau lại bị bãi bỏ khi chiến tranh giữa triều đình Huế và Pháp nổ ra ở Bắc Kỳ. Ngày 30 Tháng Chạp năm 1898 thì bộ luật cũ lại được ban hành nhưng tự do báo chí chỉ áp dụng với ấn phẩm tiếng Pháp còn tiếng Việt thì bị liệt vào hạng "ngoại ngữ" nên không có quyền ra báo tự do.[1] Báo in bằng chữ Nho cũng cùng một số mệnh.[2]

Thủ tục ra báo tiếng Việt bắt đầu với đơn nộp ở Phủ Toàn quyền. Có được giấy phép rồi, tòa báo phải theo đúng quy định là tránh đề tài cấm kỵ — chính trị. Về phần trình bày thì tòa báo phải nộp cho Sở Kiểm duyệt một bản dịch ra tiếng Pháp 48 giờ đồng hồ trước khi báo lên khuôn.[1] Lệ này được áp dụng từ năm 1908 cho các báo chí "ngoại ngữ", trước tiên ở Nam Kỳ, sau ngoài Trung và Bắc cũng y theo.[2]

Ngoài việc phải làm hài lòng chính quyền Bảo hộ, báo chí thời đó còn phải tránh không có nội dung chỉ trích hay bất kính với giới sĩ lại và triều đình Huế vì sẽ bị ghép vào tội "phạm thượng" (lèse majeste). Vì vậy một tờ báo được phép lưu hành ở Nam Kỳ vẫn có thể bị cấm ở ngoài Trung hoặc Bắc Kỳ vì hai xứ này, ít ra trên danh nghĩa vẫn thuộc hoàng triều Nhà Nguyễn.[1] Trường hợp báo Trung lập năm 1933 vì dám đăng một bài báo gọi vua Bảo Đại là "thằng Trời" liền có lệnh đình bản. Tờ Ngọ báo và Phong hóa năm 1936 cũng bị kỷ luật khi đăng bài châm biếm nạn tham quan.[3]

Kiểm duyệt trước khi in được áp dụng cho báo chí nhưng sách vở thì lại miễn không phải nộp bản thảo. Tuy nhiên sách in ra rồi vẫn có thể bị tịch thu sau khi in. Nhiều tác giả người Việt đã lợi dụng điểm này để ra sách rồi mong bán nhanh cho hết sách trước khi bị nhà chức trách thu hồi.[4]

Vào thập niên 1920, các ấn phẩm nào có nội dung kêu gọi người dân "thức tỉnh" hoặc "rửa nhục" đều có thể bị ghép vào tội vi phạm đề tài cấm kỵ của Sở Kiểm duyệt. Một bài báo trên tờ Đông Pháp Thời báo đặt nghi vấn về việc đi dự lễ Bastille, tức ngày Quốc khánh Pháp liền bị Sở kiểm duyệt bắt lỗi.[5]

Thời kỳ hoàn toàn không có chế độ kiểm duyệt báo chí là 1939 - 1945.[cần dẫn nguồn] Tuy nhiên, ngay sau đó, do Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp lại áp dụng chế độ kiểm duyệt nặng nề, sẵn sàng đục bỏ ngay trên các bát chữ.

"Chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp rất khắc nghiệt. Quãng 20 giờ, người tùy phái của các báo hằng ngày đã phải mang những bài đập thử trên giấy của số báo hôm sau tới phòng kiểm duyệt Phủ Thống sứ (ở phố Đinh Lễ bây giờ) ngồi chờ mấy ông công chức đọc, thấy chỗ nào động chạm hoặc ảnh hưởng tới "mẫu quốc" thì lấy bút chì xanh gạch chéo và ghi "kiểm duyệt bỏ". Cũng tùy mấy ông có quyền: có khi bỏ cả bài, có khi bỏ vài đoạn hoặc một đoạn, có khi ba, bốn câu thơ. Thế cũng đủ phá vỡ cả một bài, nhất là thơ, làm xấu cả trang báo đã mất công trình bày. Quãng 22 giờ, người tùy phái đem những bài đập thử về, phóng viên trực đêm bảo bác cai nhà chữ, bóc những đoạn bài đó đi và đặt vào đấy dòng chữ "kiểm duyệt bỏ" to tướng. Về sau, thấy số báo nào cũng có những mảng bỏ trắng, gây xôn xao dư luận, tên chủ sự Cousseau, người Pháp lai, trước là chánh mật thám, nói sõi tiếng Việt, bắt các báo phải dồn bài lại, thay bằng bài khác dự trữ trước cho kín trang. Các báo lúc đầu còn nghe hắn, sau "chơi lại", cứ để nguyên những mảng trắng cho biết tay. Và số đông những người làm báo thời xưa vẫn đặt hết tâm hồn mình vào những bài bênh vực giới cần lao, hoặc lên tiếng chỉ trích nhà chức trách về quốc kế dân sinh, dưới nhiều thể loại sinh động"[6].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kiểm duyệt báo chí tại Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45675160 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47849572 http://www.nghebao.com/BC/modules.php?name=News&op... http://www.nytimes.com/2014/11/20/opinion/a-free-p... http://www.voatiengviet.com/a/3830411.html http://www.voatiengviet.com/a/dinh-ban-bao-tam-nhi... http://www.voatiengviet.com/a/quy-hoach-bao-chi-vi... http://vi.rfi.fr/20150217-vn-tq// http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/press-freed... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/11...